Phục hồi bề mặt sơn ô tô

Trầy xước, bong tróc là lỗi thường gặp trên bề mặt sơn trong quá trình sử dụng ô tô. Để tân trang lại diện mạo xe, nhiều người dùng ưu tiên lựa chọn giải pháp đồng sơn xe ô tô. Quá trình này sẽ giúp phục hồi bề mặt hiệu quả, tăng tính thẩm mỹ và độ bền màu cho lớp sơn.

Làm đồng sơn xe ô tô là gì?

Đồng sơn xe ô tô là thuật ngữ quen thuộc trong lĩnh vực sản xuất xe hơi hiện nay. Đối với những sản phẩm đang trong quá trình sản xuất, đồng sơn là khâu phủ sơn cuối cùng để chiếc xe có màu sắc bắt mắt và sáng bóng. Với ô tô đã qua sử dụng, kỹ thuật này sẽ giúp phục hồi lớp sơn cũ, khắc phục các khuyết điểm trên bề mặt như trầy xước, móp méo, gỉ sét.

Làm đồng sơn ô tô bao gồm hai giai đoạn chính: phục hồi tình trạng méo, móp, xước xe và sơn phủ lớp sơn mới. Quy trình tiến hành đồng sơn khá phức tạp và đòi hỏi tính chuyên môn cao nên thời gian hoàn thành có thể mất từ vài tiếng cho đến một tháng.

Khi nào cần đồng sơn ô tô?

Trong quá trình sử dụng, ô tô sẽ khó tránh khỏi tình trạng trầy xước, móp méo vì những va chạm không đáng có. Bên cạnh đó, sự tác động từ các yếu tố môi trường cũng có thể khiến lớp sơn bị bong tróc, ẩm mốc,… Lúc này, người dùng nên kịp thời tìm phương pháp khắc phục để tránh ảnh hưởng đến thẩm mỹ và độ bền của ô tô. Trong đó, đồng sơn ô tô là kỹ thuật phục hồi hiệu quả những khuyết điểm ở phần thân vỏ xe được nhiều người dùng lựa chọn.

Ngoài ra, phương pháp này còn được áp dụng như một cách để “tân trang” lại cho chiếc xe theo sở thích, đặc biệt là dịp lễ, Tết. Khi nhận thấy màu sơn đã cũ hoặc muốn đổi màu sơn mới hợp xu hướng hơn, chủ xe có thể đưa xe đến các trung tâm bảo dưỡng để đồng sơn ô tô.

Quy trình đồng sơn xe ô tô

Quy trình đồng sơn ô tô khá phức tạp, đòi hỏi phải được thực hiện bởi người có chuyên môn, bao gồm 7 bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ và làm phẳng bề mặt

Làm phẳng là công đoạn quan trọng nhất, yêu cầu sự tỉ mỉ để có thể loại bỏ hoàn toàn lớp sơn cũ và tạo độ bám dính tốt nhất cho lớp sơn mới. Người thực hiện nên sử dụng các loại máy mài chuyên dụng và giấy ráp có độ sần thích hợp. Riêng với các mẫu xe bị móp méo, lõm sâu cần đến sự hỗ trợ của các thiết bị gò chuyên dụng.

Bước 2: Sơn chống gỉ

Sơn chống gỉ đóng vai trò như một lớp phủ an toàn, giúp bảo vệ thân xe khỏi các tác nhân gây hại như chất làm oxy hóa, hơi nước,… Sau khi phủ lớp sơn chống gỉ và để khô, tiến hành đánh giấy ráp nhằm tạo sự hoàn hảo cho bề mặt, thuận lợi khi thực hiện các bước tiếp theo.

Bước 3: Đắp bả matit làm mịn bề mặt

Công đoạn này chỉ áp dụng cho những trường hợp xe bị trầy xước, lồi hoặc lõm nhiều do va chạm. Sử dụng bột matit trộn với nước để tạo thành hỗn hợp bả (gần giống với xi măng). Hỗn hợp này có đặc tính mềm, dẻo, dễ bám, nhanh khô khi trám vào những vết xước hay lõm. Giai đoạn trám bề mặt bả matit láng mịn là cơ sở để quyết định tính thẩm mỹ của xe sau khi sơn.